Monday, July 9, 2012

Phó mặc Giang San

Giang San một cõi tiên rồng
Trường Sơn hùng vĩ, Biển Đông dạt dào
Anh hùng hào kiệt nơi nao
Giang San phó mặc ai nào cho cam?
                                                                                    (Minh Văn)
----------------------------------------------------o0o------------------------------------------------------
Tổ quốc đang lâm nguy, biển đảo quê hương đã rơi vào tay quân ngoại bang xâm lấn. Ấy vậy mà những kẻ mang trên mình trọng trách bảo vệ đất nước lại đang chìm trong giấc mộng phù hoa. Họ mải mê vơ vét của cải và tài nguyên đất nước mà quên đi nghĩa vụ thiêng liêng, đã vậy còn khúm núm tiếp tay kẻ cho ngoại bang cướp nước. Khi vận mệnh đất nước được đặt lên vai những kẻ vô trách nhiệm và không vì nước vì dân, thì cái hoạ mất nước đã nằm ngay trước mắt. Đó là bài học xót xa mà lịch sử đã nhiều phen chứng giám.
Thời Tam Quốc, Tào Tháo sau khi đánh dẹp và thôn tính các thế lực phía nam và phía đông đã chuẩn bị lực lượng để tấn công Hà Bắc của Viên Thiệu. Hà Bắc vốn đất rộng người đông, tài nguyên phong phú, cũng là nơi tập trung nhiều anh hùng hào kiệt. Cuộc chiến lần này của Tào Tháo mang một ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn, đối đầu với một địch thủ mạnh nhất lúc bấy giờ. Vì vậy mà sự thắng bại sẽ tạo nên bước ngoặt cho lịch sử đương thời. Và trận chiến Quan Độ nổi tiếng đã mang lại thắng lợi cho quân Tào, làm tiền đề cho sự sụp đổ hoàn toàn vài năm sau đó của thế lực Viên Thiệu hùng mạnh.
Đầu năm 200, quân Viên Thiệu và quân Tào giao tranh quyết liệt với nhau. Trải qua nhiều trận chiến không phân thắng bại, hai bên cùng hưu chiến. Sau hai tháng ngưng nghỉ để ổn định quân tình, cuộc chiến được tái diễn bằng trận thư hùng tại Quan Độ (bờ nam sông Hoàng Hà). Thế trận giằng co, quân Thiệu và quân Tào giữ nhau lâu ngày mà không bên nào chiếm được ưu thế. Bên Tào quân ít lại thiếu lương thực, vì vậy mà muốn rút lui. Tuân Úc (một mưu sĩ của Tào Tháo) khuyên ông nên kiên trì chống cự, và Tào Tháo đã nghe theo.
Lúc này bên Viên Thiệu sai Thuần Vu Quỳnh mang một vạn quân trấn giữ Ô Sào, là nơi chứa lương thảo. Quỳnh vốn là người nóng tính lại nghiện rượu, bởi vậy nên y thường hay say sưa mà làm hỏng việc. Hứa Du khuyên Viên Thiệu không nên để Thuần Vu Quỳnh nắm giữ trọng binh canh giữ lương thảo. Thiệu không nghe, vì vậy mà Hứa Du bất mãn mà bỏ sang theo Tào Tháo. Du khuyên Tào Tháo nên tấn công Ô Sào để đốt cháy lương thảo của quân Viên Thiệu. Nhận thấy tầm quan trọng của trận chiến này, Tào Tháo đã đích thân mang 5000 ngàn quân mã tấn công Ô Sào.
 Đang đêm, quân Tào bất ngờ tập kích. Thuần Vu Quỳnh đang say rượu, luống cuống leo lên ngựa thì bị Nhạc Tiến chém chết. Quân Tào reo hò phóng hoả đốt sạch kho lương thảo của Viên Thiệu. Thấy Ô Sào bị cháy, Thiệu cho quân đến cứu đồng thời chia quân đến cướp trại Tào. Tào Tháo đã phòng bị nên quân cướp trại của Viên Thiệu bị đánh tan tác. Thấy quân mình liên tiếp thua trận, Ô Sào lại bị đốt cháy nên Viên Thiệu hốt hoảng tháo chạy. Quân Tào thừa cơ tập kích, quân Thiệu đại bại. Viên Thiệu chỉ kịp đem theo con là Viên Đàm cùng 800 kỵ binh tẩu thoát, qua khỏi bờ sông Hoàng Hà mới dám dừng lại nghỉ. Vì thua trận mà Viên Thiệu hối hận thành bệnh, hai năm sau đó thì mất. Tào Tháo sau khi lần lượt đánh bại ba con của Viên Thiệu đã làm chủ Hà Bắc, trở thành thế lực mạnh nhất Trung Quốc lúc bấy giờ.
Sự vô trách nhiệm của Thuần Vu Quỳnh đã khiến cho quân Viên Thiệu phải đại bại trong trận chiến Quan Độ. Trấn giữ lương thảo là nhiệm vụ quan trọng mang tính sống còn của cuộc chiến, ấy vậy mà y đã xem thường và suốt ngày uống rượu say sưa, phó mặc cho giấc mộng. Vì vậy mới bị quân Tào tập kích đánh bại. Viên Thiệu đã sai lầm trong việc đặt trọng trách lên vai một kẻ vô trách nhiệm và dốt nát, để dẫn đến hậu quả là mất nước sau đó.

Bài học năm xưa liệu có được người Việt lưu tâm? Khi mà hoạ mất nước đang tới gần, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nay đã bị Tàu Cộng cướp mất. Ấy nhưng những kẻ có trọng trách vẫn phó mặc giang san cho quỷ dữ, mà chìm trong giấc mộng giàu sang? Chủ quyền đất nước bị xâm phạm, dân bị nhục mà nhà nước vẫn làm ngơ ư? Đã vậy họ còn ra tay đàn áp người dân biểu tình phản đối quân xâm lược. Quả là nay còn tệ hơn xưa, chỉ vì sự vô tâm và tắc trách của những kẻ cầm quyền mà dân chết, nước mất.
Quả là cái tội đó còn nặng hơn Thuần Vu Quỳnh năm xưa. Quỳnh chỉ vì say rượu mà làm mất kho lương thảo, nhưng nay cái hoạ mất nước đã ở ngay trước mắt mà kẻ cầm quyền vẫn còn chưa chịu tỉnh mộng. Vẫn gọi kẻ thù là đồng chí, để xây dựng tình hữu nghị Việt - Trung đời đời bền vững?
Tàu chiến Trung cộng khống chế Biển Đông
Hỡi những người gánh trên vai trách nhiệm với non sông, hãy vì con dân nước Việt mà tỉnh giấc mộng Nam Kha. Chớ vì quyền lợi ích kỷ mà làm cho nhân dân điêu đứng, chủ quyền đất nước thì bị cướp mất. Hãy nêu cao trách nhiệm của mình trước đất nước và dân tộc, chớ phó mặc Giang San cho kẻ ngoại bang. 

Nếu những người cầm quyền vẫn không tỉnh mộng, thì người dân Việt Nam phải tự đứng lên bảo vệ đất nước và nòi giống tiên rồng. Mang theo khí thế ngàn năm giữ nước mà ra trận, cưỡi cơn sóng lớn mà chém cá Kình ở Biển Đông. Đến khi ấy thì e quyền lực trong tay của các vị cũng không còn, mà còn mang tiếng xấu bán nước đến tận ngàn thu. Hãy nhớ lấy bài học năm xưa, chớ say sưa trong giấc mộng mà rồi dẫn đến hoạ mất nước, phó mặc cho sự an nguy của nhân dân.

Minh Văn

1 comment:

  1. Đảng và nhà nước trót nhỡ kết bạn và chịu sự chi phối của đảng cộng sản Trung quốc rồi, giờ há miệng mắc quai nên cứ thế ngoảnh mặt làm ngơ cho Tàu tha hồ lấn chiếm đất đai lãnh thổ của dân tộc ta.

    ReplyDelete